Khi những lời thú tội thay thư ngăn bàn
Chỉ cần lên Google, gõ cụm từ “Facebook học sinh sinh viên confession” là sẽ nhận được ngay gần nửa triệu kết quả trong vòng chưa đến 1 giây. Theo những kết quả này, có thể thấy phong trào lập trang “thú tội - confession” đang phát triển mạnh. Từ những trường cấp 2, cho đến cấp 3, đại học ở các tỉnh thành trong cả nước đều có trang confession, nhưng xem ra những trang của các trường trung học phổ thông là rôm rả hơn hẳn.
Nơi cảm xúc thăng hoa và nỗi buồn giải tỏa
Các bậc phụ huynh hẳn thắc mắc vì sao các trang confession lại thu hút con em mình và bạn bè của chúng đến thế? Đơn giản là vì đó là nơi chúng có thể bộc lộ những suy nghĩ của mình và cả những rung động, “say nắng”, hay những sai lầm dại dột mà không phải ngại ngùng như lời nhắn nhủ của một trang confession: “Bạn có thể chia sẻ những tâm tư, tình cảm của lứa tuổi học đường vào bên trong này. Tuyệt đối không ai biết bạn là ai, kể cả AD (người quản trị trang)”.
Thực tế, khi mà các bậc bố mẹ thường không đủ thời gian và sự cảm thông để lắng nghe và trò chuyện với con cái thì các trang confession đã và đang trở thành nơi để tuổi teen chia sẻ những lo lắng trong việc học tập, cho đến những áy náy, hối hận về những trò quậy phá và đặc biệt là những tâm tư tình cảm, những rung động đầu đời... Các bậc bố mẹ có thể theo dõi trang confession của trường con em mình để biết những suy nghĩ, tâm tư vui buồn của giới trẻ ngày nay, của những học sinh sinh viên đồng trang lứa với con em mình, như slogan mà sinh viên Đại học An Giang đã chọn cho trang confession của mình: Nơi cảm xúc thăng hoa và nỗi buồn giải tỏa.
3 không 2 loại
Tuy nhiên, các trang confession không phải là “đất” để các anh hùng bàn phím dụng võ, vì đội ngũ quản trị của các trang confession luôn đề ra những quy định nhằm giữ gìn môi trường trong sáng cho nơi chia sẻ những cảm xúc, tâm tư tình cảm thầm kín của tuổi học trò. Trang confession của một trường chuyên ở Nam Định lập hẳn quy định “3 không 2 loại”:
Nguyên tắc 3 không của một confession: 1. Không tục tĩu. 2. Không tạo bão. 3. Không xúc phạm người khác (góp ý, nhưng trên nguyên tắc xây dựng)
Nguyên tắc 2 loại của page: 1. cfs (confessions) chủ đề nhạy cảm, kích động, gây war (chiến tranh) giữa các tập thể lớp sẽ bị loại. 2. cfs (confessions) mang tính chất tuyên truyền, quảng cáo không đúng với tính chất học sinh cũng sẽ bị loại.
Hãy để mọi người đoán bạn là ai
Các trang confession chinh phục tuổi teen vì đó là nơi mà ngay cả những bạn rụt rè nhất cũng có thể lên tiếng bày tỏ và chia sẻ. Bản thân người viết những lời chia sẻ cũng khá mâu thuẫn: vừa không muốn tiết lộ danh tính của mình, đồng thời cũng muốn đối tượng trong lời chia sẻ biết mình là ai. Điều hấp dẫn của những lời thú tội không chỉ nằm trong nội dung chia sẻ mà còn ở chỗ họ có thể đoán già đoán non về tác giả.
Cứ như trò chơi trốn tìm, một mặt đội ngũ quản trị trang khẳng định “không ai biết bạn là ai”, mặt khác các trang confession vẫn khuyến khích “người thú tội” he hé một vài thông tin để người đọc hoặc chí ít người trong cuộc cùng những người liên quan có thể đoán được người viết.
Và thư hộc bàn trở thành câu đố khó giải
Giới trẻ rất thích vào các trang confession của trường mình để đọc những “lời thú tội” và... nhấn like cùng comment. Thế nhưng khi bất chợt nhận được một lá thư hộc bàn thì chúng lại lúng túng, bối rối, chẳng biết nên ứng xử thế nào. Và chúng lại đưa chuyện nhận được thư hộc bàn lên trang confession để được tư vấn. Ôi, hóa ra đường nào cũng dẫn đến trang confession nhỉ?
-Nguồn Internet
0 comments :
Post a Comment